1/8 chính là thời điểm Quyết định 30 điều chỉnh, bổ sung bảng giá đất trên địa bàn Tp.HCM bắt đầu có hiệu lực. Từng con đường, vị trí cụ thể của 15 quận, huyện vừa được điều chỉnh trên địa bàn TP đều được liệt kê đầy đủ trong quyết định này.
Thực tế trên trời, quy định dưới đất ! ?
Trong bảng giá đất theo quy định điều chỉnh, địa bàn quận 2 có 7 tuyến đường điều chỉnh, với mức giá dao động từ 5,2 - 15 triệu đồng/m2. Địa bàn quận Gò Vấp có 3 tuyến đường điều chỉnh, trong đó đáng chú ý có đường Nguyễn Thái Sơn - con đường nằm trung tâm của quận này - lại có giá đất khá thấp, chỉ từ 11,8 - 20 triệu đồng/m2. Tương tự, đất tại quận Phú Nhuận, đường Hồng Hà có giá thẩm định khá 'bèo', chỉ từ 16 - 18 triệu đồng/m2. Đường Lê Văn Lương, huyện Nhà Bè cũng chung cảnh ngộ với giá đền bù từ 2,4 - 4,2 triệu đồng/m2...
Khi nhìn thấy bảng giá đất này, những hộ dân sinh sống tại các tuyến đường vừa được điều chỉnh giá đều vô cùng bất ngờ. Bà Phạm Thị Phú, một hộ dân trên đường Hòa Hảo, phường 5, quận 10 cho biết, ngôi nhà bà đang ở có diện tích 47m2 vừa được một người hỏi mua với giá 8,8 tỉ đồng, tức gần 190 triệu đồng/m2. Vậy mà theo bảng giá đất điều chỉnh, giá mỗi mét vuông đất ở đây chỉ có 23,4 triệu đồng! 'Với giá đất điều chỉnh này, nếu chẳng may đường Hòa Hảo mở rộng thì chúng tôi chỉ nhận được tiền đền bù chưa bằng 1/7 giá thị trường. Quy định thế này thì ai chịu?' - bà Phú nói.
Anh Nguyễn Văn L., có nhà mặt tiền ở đường Kênh 19/5, quận Tân Phú, cũng... té ngửa khi biết giá đất mới được điều chỉnh. Anh L. bức xúc nói: "Một mét vuông có 8,4 triệu đồng thì đừng có mơ rớ vào đất mặt tiền ở con đường này. Hiện giá giao dịch thị trường đã trên 50 triệu đồng/m2 rồi!". Anh L. cho rằng, mức giá nhà nước quy định như vậy là quá thấp. Giả sử khu đất nhà anh được quy hoạch làm dự án thì những người dân nơi đây chắc chắn sẽ rất thiệt thòi và không thể chấp nhận.
Người dân sống ở khu vực đường Hòa Hảo (phường 5, quận 10) tỏ ra
bất bình với giá đất mới điều chỉnh tại đây. Ảnh: Lê Phong
Nhiều kiến nghị sát sườn
Theo một lãnh đạo của UBND quận Bình Tân, quy định khung giá đất thấp hơn thị trường sẽ gây rất nhiều khó khăn cho việc giải tỏa, mở rộng đường. "Cứ giải tỏa đến đâu là xảy ra khiếu kiện đến đó. Bà con khởi kiện là không sai khi giá đền bù để giải tỏa quá thấp. Chính quyền địa phương cũng chỉ làm theo quy định của Nhà nước, chỉ người dân là thiệt thòi nhất", vị lãnh đạo này nhìn nhận.
Trước thắc mắc vì sao chính quyền đưa ra giá đất quá thấp so với giá trị thực tế, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP giải thích, giá đất tại từng khu vực và từng tuyến đường được đưa ra trên cơ sở của Luật Đất đai 2013. Trong đó có nêu rõ nhà nước ban hành khung giá đất, bảng giá đất và quyết định giá đất cụ thể. UBND cấp tỉnh chỉ được điều chỉnh mức không quá 30% so với quy định. Vì lẽ đó, chỉ có Bộ Tài nguyên và Môi trường có đủ thẩm quyền điều chỉnh giá cao theo thị trường. Vị cán bộ này cũng thừa nhận, giá đất quy định tại Tp.HCM thấp hơn thực tế từ 30 - 50% giá thị trường, hơn nữa còn có nhiều bất cập trong cơ chế thẩm định khung giá đất.
Trước đó, Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) cũng từng có ít nhất 2 văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về sự bất cập này. Cụ thể, trong văn bản gửi hồi tháng 4/2017, HoREA phân tích lâu nay, Chính phủ đều ban hành việc tính giá đất và không phù hợp với tình hình thực tiễn ở các địa phương, nhất là tại Tp.HCM. Mặc dù cũng đã có một số điều chỉnh nhất định trong quy định như áp dụng hệ số điều chỉnh (hay còn gọi hệ số K), chia theo từng khu vực và tuyến đường... nhưng nhìn chung vẫn chưa phù hợp giá đất phổ biến trên thị trường. Vì thế HoREA kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sửa đổi một số điều trong Luật Đất đai, thay vì ban hành khung giá đất thì nên giao toàn quyền cho cấp tỉnh chịu trách nhiệm và quyết định về bảng giá đất, như vậy sẽ bảo đảm thực hiện nguyên tắc phù hợp biến động thị trường.
Ở góc độ khác, ông Trần Khánh Quang, chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản nhận xét, ý nghĩa của bảng giá đất là dùng để áp dụng trong các việc liên quan đến đóng thuế, phí, giá thuê đất, đền bù...của người dân. Thực tế cho thấy, giá đất tại các thời điểm của những năm trước đều đã thấp hơn khá nhiều so với thị trường khi chỉ bằng 30 - 40%; chưa kể từ thời điểm đó đến nay, giá đất vẫn liên tục tăng nhưng nếu áp giá mới thì chỉ tăng nhẹ từ 20 - 25%, điều này là không hợp lý. Ngoài ra, dù Chính phủ có đưa thêm hệ số K nhưng ý nghĩa của nó cũng không nhiều bởi mức tối đa của hệ số K cũng chỉ hơn 3 lần, có áp dụng thì đôi khi cũng không có ý nghĩa. "Từ đây, tôi nhận thấy nhiều lúc người dân không biết lấy cơ sở nào để định giá đền bù. Thế nên, khi các doanh nghiệp tham gia đầu tư dự án, giải tỏa đền bù...thì người dân bao giờ cũng tỏ ra rất bức xúc", ông Quang nói.
(Theo Báo Người Lao Động)
- Bất động sản TP.HCM 'giảm nhiệt', Long An hứa hẹn bứt phá (06/11/2019)
- Đầu tư đất nền thổ cư tại các quận vùng ven được các nhà đầu tư ưa chuộng (29/10/2019)
- Thị trường nhà đất khu Tây TP.HCM vẫn “nóng” (17/10/2019)
- Nhà đất Đức Hòa được tìm kiếm nhiều nhất Long An (09/10/2019)
- Nhà đầu tư âm thầm “săn” đất sổ đỏ ở Long An (08/10/2019)
- Diện tích nhà đất sau khi tách thửa tối thiểu 45 m2 (29/07/2017)
- Cao ốc 5.000tỷ làm xấu diện mạo Tp.HCM sẽ tái thi công trong T10 (28/07/2017)
- Bất động sản hút hơn 1,1 tỉ USD vốn ngoại trong 7 tháng đầu năm (28/07/2017)
- Chánh VP Tp.HCM: "Không được điều chỉnh công năng chung cư (28/07/2017)
- Tp.HCM tìm cách giải cứu 500 dự án BĐS "trùm mền" (27/07/2017)