Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần địa ốc Thăng Long - Lê Vũ Tuấn Anh dự báo năm 2017, thị trường bất động sản TP HCM sẽ xuất hiện 2 điểm nóng mới nổi có biên độ tăng giá đất thấp nhất 15% và cao nhất có thể đạt 30%. Chuyên gia này nhận định, các huyện vùng ven này được xem là những địa bàn có thể tạo ra nhiều đột biến nhất trong vòng một thập niên tới.
Đất huyện Bình Chánh hứa hẹn tăng giá 20%
Ngoại trừ khu Trung Sơn có mặt bằng giá đất cao ngang ngửa quận 7, được xem là phố nhà giàu của huyện Bình Chánh sẽ tăng tốc chậm lại, tạm bão hòa về giá trong năm Đinh Dậu, các xã vùng ven của huyện này đều có nhiều tiềm năng tăng giá trong 12 tháng tới. Địa bàn điển hình của Bình Chánh là thị trường nhà đất tại hai xã Vĩnh Lộc A - Vĩnh Lộc B. Hai địa phương này có giá đất thuộc hàng thấp nhất huyện. Dù án binh bất động nhiều năm qua nhưng giá đất 2 xã này đã bắt đầu chuyển động trước thềm năm mới trong khi đang nín thở chờ thoát mác nông thôn, khoác áo thành thị.
Nguyên nhân tăng giá trong ngắn hạn được lý giải phần lớn do hiệu ứng tâm lý. Nguyên nhân tăng giá dài hạn phụ thuộc vào hệ thống giao thông kết nối với các tuyến đường quan trọng đã hình thành. Đó là Quốc lộ 1A và Tỉnh lộ 10 nối liền với khu công nghiệp Đức Hoà, Long An; đường Nguyễn Văn Linh nối từ quốc lộ 1A đến quận 7; đường Võ Văn Kiệt nối từ Quốc lộ 1A qua sông Sài Gòn đến quận 2 và đi Đồng Nai. Ngoài ra Quốc lộ 50 nối huyện Bình Chánh với các huyện Cần Đước, Cần Giuộc của tỉnh Long An.
|
Điểm nóng mới của bất động sản liền thổ TP HCM năm 2017 được dự báo sẽ lan ra các huyện vùng ven đang được xét quy hoạch lên quận. Ảnh: Vũ Lê
|
Đây là huyện được đánh giá có sức bật mạnh nhất trong nhóm 3 huyện sẽ quy hoạch lên quận. Biên độ tăng giá đất trên địa bàn huyện cao nhất có thể đạt 30%. Nguyên nhân do các doanh nghiệp địa ốc tên tuổi và nhà đầu tư cá nhân đã đi tắt đón đầu, nắm giữ đất địa bàn huyện từ rất sớm, hứa hẹn sẽ là một trong những thị trường bất động sản liền thổ sôi động nhất trong 12 tháng tới. Đây là huyện hội tụ được 2 yếu tố nhạy cảm giúp tăng giá bất động sản. Yếu tố thứ nhất có siêu dự án khu đô thị cảng Hiệp Phước. Yếu tố thứ hai là hạ tầng kết nối đồng bộ đi liên tỉnh, liên vùng.
Các lực đỡ hỗ trợ giá đất huyện Nhà Bè tăng lên trong thời gian tới gồm có: vị trí cửa ngõ của Nam Sài Gòn, giáp ranh với các tỉnh Long An, Đồng Nai và có các tuyến đường chính như Lê Văn Lương, Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát nối Nhà Bè vào trung tâm thành phố. Ngoài ra, huyện này thừa hưởng những tiện ích cơ sở hạ tầng cao cấp của khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7.
Đất huyện Hóc Môn tăng giá trong ngưỡng 15%
Dù xếp sau Bình Chánh về mặt bằng giá đất bình quân cũng như tốc độ tăng trưởng nhưng bất động sản liền thổ thuộc huyện Hóc Môn vẫn được xếp vào nhóm đầy tiềm năng, ước tính có thể đội giá thêm 15% trong năm Đinh Dậu. Tỷ lệ tăng giá đất này vẫn được xếp vào nhóm lý tưởng vì gấp đôi lãi suất tiền gửi ngân hàng. Các điểm nóng trên địa bàn huyện này gồm có: đất dọc theo tuyến đường Phan Văn Hớn thuộc xã Xuân Thới Thượng và đường Nguyễn Văn Bứa.
Cơ sở để kỳ vọng vào sự tăng trưởng giá đất của Hóc Môn là huyện đang được quy hoạch khá bài bản về đường xá, hạ tầng cùng ăn theo tuyến Metro số 2 nối Bến Thành - Tham Lương. Ngoài ra khu vực bến xe An Sương cũng đang được nâng cấp và mở rộng tạo nên trào lưu đầu tư đón sóng hạ tầng mới.
Ông Tuấn Anh cho biết thêm, năm 2016 giá đất Sài Gòn đã tăng trên diện rộng, nhưng đa phần tập trung vào địa bàn truyền thống là cửa ngõ quen thuộc ở khu Đông - Nam - Tây thành phố. Vì vậy, sang năm Đinh Dậu, sức nóng thị trường có thể lan tỏa rộng ra các địa bàn mới, ít được chú ý hơn như các huyện vùng ven đang được xem xét quy hoạch lên quận. Điều này có thể dẫn đến khu vực giáp ranh như huyện Bình Chánh, Hóc Môn có thể cũng bắt đầu hình thành một mặt bằng giá đất mới trong năm 2017 do tâm lý té nước theo mưa.