Theo các chuyên gia, việc sửa luật thuế phải đi đôi với chiến lược giảm bội chi ngân sách
Ngày 14-9, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiếp tục tổ chức hội thảo tại Hà Nội để lấy ý kiến rộng rãi của cộng động doanh nghiệp (DN) và các chuyên gia đóng góp sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sửa đổi 5 luật thuế nhằm bảo đảm tính hợp lý, khả thi của luật khi được ban hành.
Bao lâu thì lại điều chỉnh?
Bà Đặng Thị Bình An, chuyên gia thuế và hải quan, cho biết Luật Thuế GTGT đã được sửa đổi rất nhiều lần trong các năm 2008, 2010, 2013, 2014 và gần đây nhất là năm 2016. Trong đó, nhiều nội dung không mang tính chất ổn định, "lúc rút ra, lúc đưa vào" khiến DN rất khó thực hiện.
Tăng thuế GTGT với nhà đất không chỉ ảnh hưởng đến thị trường bất động sản mà còn kéo theo hàng loạt hệ lụy với các ngành liên quan Ảnh: TẤN THẠNH
"Việc phân biệt đối tượng chịu thuế GTGT 5% hay 10% là vướng mắc từ nhiều năm nay của DN nhưng chưa giải quyết được. Ví dụ, với thiết bị y tế, dự thảo kể ra mấy loại. Sau này, nếu phát sinh các loại máy móc, thiết bị mới, hiện đại hơn, cơ quan quản lý lại phải đưa người vào hướng dẫn, vừa không đúng luật vừa tốn kém mà DN vẫn không biết áp thuế suất bao nhiêu" - bà An phân tích.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đặt vấn đề với đại diện Bộ Tài chính: "Ngân sách sẽ tăng thu bao nhiêu nếu tăng thuế GTGT, có bền vững không hay chỉ 2 năm sau lại điều chỉnh tiếp? Việc sửa thuế có phù hợp với chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế - trong đó có chủ trương phát triển ngành nông nghiệp, dịch vụ - không, hay lại đánh thuế vào chính những ngành đang cần hỗ trợ?".
Chuyên gia này cho rằng phải có đơn vị độc lập đứng ra lập báo cáo đánh giá tác động, không nên để Bộ Tài chính tự làm. Việc sửa luật thuế phải đi đôi với chiến lược giảm bội chi ngân sách. "Tăng thuế phải đặt trong tổng thể các chi phí khác nữa. Người dân, DN đang kêu vì phải chịu rất nhiều thứ chi phí kinh khủng khác chứ không chỉ có thuế. Bộ Tài chính là cơ quan quản lý, cần đặt vấn đề trong bối cảnh chung, không thể tách riêng việc của ngành mình và cứ nhằm tăng thu là không được" - bà Lan bức xúc.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), cho rằng Bộ Tài chính lấy danh nghĩa điều chỉnh thuế để tăng nguồn thu trong khi không kiểm soát được bội chi ngân sách nên người dân phản ứng rất mạnh. Bởi lẽ, họ không biết thuế sẽ còn tiếp tục tăng lên bao nhiêu nữa trong tương lai. Muốn có sự ổn định về tài chính ngân sách thì phải có chính sách giảm chi, minh bạch chi.
Nguy cơ đóng băng thị trường nhà đất
Cũng tại hội thảo, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) Việt Nam Nguyễn Mạnh Hà nhận định thị trường BĐS sẽ gặp nguy nếu đề xuất bỏ quy định chuyển quyền sử dụng đất (SDĐ) không chịu thuế GTGT để chuyển sang chịu thuế này với mức thuế suất thông thường 10% của Bộ Tài chính được chấp thuận. Bởi lẽ, giao dịch nhà đất hiện phải chịu phí trước bạ 0,5%, thuế thu nhập cá nhân 2% - tổng cộng là 2,5% giá trị giao dịch. Nếu đánh thuế GTGT chuyển quyền SDĐ như đề xuất thì phải chịu thêm thuế 10%-12% nữa, tức là tăng 7 lần so với thuế, phí hiện hành.
"Một căn hộ trung bình giá 2 tỉ đồng mà phải nộp thuế 15% là rất cao, rất nguy hiểm vì thị trường BĐS có quan hệ với thị trường lao động, sản xuất vật liệu xây dựng, đặc biệt là tín dụng. Tín dụng ngân hàng hiện chiếm khoảng 10% tổng dư nợ toàn hệ thống. Trong đó, các khoản vay có thế chấp bằng nhà đất chiếm khoảng 70%. Nếu giá nhà cao, thị trường không có giao dịch sẽ khiến nợ xấu gia tăng. Trước đây, Chính phủ đánh thuế chuyển quyền SDĐ 4% đã không ai nộp và họ chuyển sang mua bán trao tay thôi" - ông Hà cảnh báo.
Tương tự, với đề xuất bỏ quy định tính thuế GTGT đối với hoạt động kinh doanh BĐS được trừ giá chuyển quyền SDĐ hoặc tiền thuê đất phải nộp ngân sách nhà nước, ông Hà cho biết tiền SDĐ chiếm 20%-30%, nhà liền kề là từ 50%-70%. Như vậy, nếu giá nhà 1 tỉ đồng thì tiền SDĐ phải nộp ít nhất là 200-300 triệu đồng, nếu không cho khấu trừ tiền SDĐ thì giá nhà sẽ tăng khoảng 5%-7% tùy từng loại. Điều này rất nghiêm trọng vì giá nhà ở Việt Nam vẫn còn cao, đang cần có chủ trương giảm xuống để tạo điều kiện cho người dân có nhà ở, trong khi chính sách thuế lại kéo giá nhà tăng lên, khiến thị trường đen tối đi. Ông Hà kiến nghị cơ quan soạn thảo cần phải có báo cáo tác động của việc tăng thuế đối với thị trường này, trước mắt không nên sửa đổi thuế GTGT đối với nhà đất.
Ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó Tổng giám đốc dịch vụ tư vấn thuế Deloitte Việt Nam, cũng cho rằng các đề xuất điều chỉnh thuế GTGT liên quan đến thị trường BĐS nêu trên tác động khá lớn đến toàn xã hội nhưng chưa bảo đảm điều kiện về pháp lý đưa ra. Bản chất thuế GTGT là thuế đánh trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ lưu thông tiêu dùng. Khi nhìn nhận như vậy, quyền SDĐ theo Luật Thương mại không được xem là hàng hóa thông thường. Hơn nữa, việc áp thuế GTGT vào quyền SDĐ sẽ ảnh hưởng đến kinh tế xã hội vì giao dịch BĐS tạo ra luồng luân chuyển về tài chính tiền tệ, chiếm tỉ trọng lớn trong tín dụng, tiêu dùng đối với hệ thống ngân hàng. Đánh thuế GTGT lên quyền SDĐ thực tế là đánh thẳng vào người tiêu dùng cuối cùng mà bỏ qua đối tượng kinh doanh theo dạng thương mại. Điều này ảnh hưởng đến quyết định giao dịch của người mua, khiến thị trường bị chững lại, kéo theo hàng loạt hệ lụy đối với các ngành liên quan.
Kết cấu thuế chưa hợp lý
Bà Đặng Thị Bình An cho rằng thuế GTGT của Việt Nam cao hơn các nước chứng tỏ kết cấu thuế trong tổng thu ngân sách chưa hợp lý. Có nhiều khoản thu khác phát sinh, trong khi nền kinh tế thị trường nhưng thuế chưa bao quát hết, chưa thu được. Hàng chục năm qua, hệ thống thuế chỉ được bổ sung 1 loại thuế mới là thuế bảo vệ môi trường. Do đó, cần nghiên cứu đưa ra nhiều loại thuế khác, như thuế tài sản.
Theo NLĐ
- Bất động sản TP.HCM 'giảm nhiệt', Long An hứa hẹn bứt phá (06/11/2019)
- Đầu tư đất nền thổ cư tại các quận vùng ven được các nhà đầu tư ưa chuộng (29/10/2019)
- Thị trường nhà đất khu Tây TP.HCM vẫn “nóng” (17/10/2019)
- Nhà đất Đức Hòa được tìm kiếm nhiều nhất Long An (09/10/2019)
- Nhà đầu tư âm thầm “săn” đất sổ đỏ ở Long An (08/10/2019)
- Từ 15/9, phải xác định giá trị quyền sử dụng đất được hoàn trả trước khi thu hồi (15/09/2017)
- Cấp giấy chứng nhận nhà, đất: Cam kết đúng hạn (14/09/2017)
- Tp.HCM: Tháo dỡ 44 phòng trọ do xây dựng sai quy hoạch (14/09/2017)
- Công ty BĐS Phúc Thịnh tổ chức hội nghị thường niên: Trainning - Tổng kết - Khen thưởng tháng 08 (14/09/2017)
- Đề xuất sang tên sổ đỏ cũng phải nộp thuế VAT (14/09/2017)