Ông Tú cho biết, chủ đầu tư nộp tiền phạt nhưng vẫn thi công dù bị ngăn chặn. Phường đã nhiều lần tạm giữ tang vật phương tiện và đề nghị các cơ quan chức năng xử lý một cách triệt để.
Đến tháng 4/2016, Thanh tra Sở Xây dựng ban hành quyết định xử phạt với phần vi phạm mới và yêu cầu tháo dỡ toàn bộ.
Theo ông Tú, do chủ đầu tư không tự nguyện tháo dỡ phần vi phạm nên tháng 6/2016, UBND quận Thủ Đức đã ban hành 2 quyết định cưỡng chế tháo dỡ. Đến tháng 8/2017, các cơ quan chức năng đã tháo dỡ tổng diện tích 1.035,6m2.
“Phường đã chỉ đạo cảnh sát khu vực, 9 khu phố tìm nhà trọ mới cho người thuê nhà, bố trí 4 xe tải hỗ trợ di chuyển, dọn dẹp nơi ở mới và và đề nghị giảm giá cho họ. Sau khi tất cả hộ dân được hỗ trợ di dời thì mới cưỡng chế nên không có cảnh 100 hộ dân phải ở cảnh màn trời chiếu đất”, ông Tú cho biết. Về thắc mắc công trình bị cưỡng chế tháo dỡ toàn bộ do xây sai phép, Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Mai Thanh Tùng giải thích đây không thuộc trường hợp xây sai phép, chỉ tháo dỡ phần xây sai mà là trường hợp xây dựng sai quy hoạch.
Thư mời có sai sót Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh nhìn nhận có sai sót về thư mời khi không ghi ngày tháng năm nên chủ đầu tư không thể có mặt. Tuy nhiên, ông khẳng định đó không phải là căn cứ duy nhất để chủ đầu tư nói không biết việc xử lý vi phạm. Ông Tú thông tin, sự việc đã kéo dài gần 2 năm nay. Từ giai đoạn đầu, người nhận quyết định xử phạt đã có yêu cầu tháo dỡ công trình vi phạm. Đó là ông Trần Ngọc Việt, con rể của chủ đầu tư. Số tiền phạt cũng đã được đóng nên chủ đầu tư không thể không biết việc xử lý vi phạm. Ông Tú cũng cho biết, đã 3 lần phường mời chủ đầu tư đến làm việc nhưng chủ đầu tư không đến. Thông báo cưỡng chế, các thư mời đã được gửi đến địa chỉ nhà của chủ đầu tư bằng thư bảo đảm. Bằng chứng của bưu điện vẫn còn đầy đủ. Hơn nữa còn niêm yết tại công trình vi phạm. Phường còn vận động những người thuê trọ di dời. Vì vậy không thể nói là cơ quan chức năng đột ngột cưỡng chế mà chủ đầu tư không hay biết. |