Giá đất nền ở TPHCM đang trong cơn “sốt” trở lại như đã từng xảy ra vào giữa năm 2017 do “cò” đất thổi giá, do người dân thấy đầu tư cho đất vẫn sinh lời cao, và dường như mọi thứ chỉ đang quay cuồng xung quanh chuyện mua bán đất.
Giá tăng chóng mặt
Là huyện đảo duy nhất của TPHCM với bốn bờ là biển và rừng ngập mặn, trước đây, đặc sản của Cần Giờ là hải sản và du lịch rừng Sác, nhưng giờ đây, người dân TPHCM còn cho rằng Cần Giờ có thêm đặc sản nữa là đất nền. Từ đầu năm 2017, cuộc sống bình yên nơi huyện đảo bị đảo lộn bởi cơn sốt đất nền.
Khảo sát thực tế của phóng viên Báo Lao Động tại đây cho thấy, bước chân từ phà Bình Khánh nối huyện Nhà Bè qua con sông sang huyện đảo xuất hiện những biển bán đất nền, cũng như những sàn giao dịch, môi giới bất động sản mọc ra.
Giới đầu tư đất cho biết, cơn sốt đất nền Cần Giờ được châm ngòi bởi thông tin sẽ xây cầu Bình Khánh thay cho phà. Từ đây, nhà đầu tư bắt đầu chuyển hướng về huyện đảo này đầu tư đất. Bên cạnh đó là thông tin về việc phê duyệt những dự án đô thị lấn biển ở đây cũng mang thêm sức hấp dẫn. Giá đất ở đây cũng vì thế mà tăng chóng mặt.
Ở tuyến đường Duyên Hải, xã Cần Thạnh, trước đây hai bên đường là cánh đồng muối, với hàng phi lao xanh mát, nhưng giờ đây, những cánh đồng muối đã bị san lấp, đất được phân lô, cắm mốc, thân những cây phi lao bên đường được treo đầy những tờ rơi rao bán đất nền.
Giá đất ở đây cũng tăng mạnh từ mức 3,2 triệu đồng/m2 hồi đầu năm 2017, lên mức 16,3 triệu đồng/m2 hiện nay, tức đã tăng giá 406%. Dò hỏi giá đất tại các tuyến đường lớn ở trong khu vực này, chúng tôi được các cò đất cho biết từ sau Tết Nguyên đán, giá đất đã tăng lên rất cao.
Mức giá bán trung bình từ 17-20 triệu đồng/m2, thậm chí ở các con đường gần biển giá có thể từ 25-30 triệu đồng/m2. Dò hỏi xem có miếng đất nào giá tầm 2 tỉ đồng để mua hay không, nhân viên cò đất này cho biết với số tiền này mua đất ở đây hầu hết không còn nữa.
Những người sống ở đây cho biết giờ đây không chỉ người đi biển bỏ biển đi buôn đất, mà ngay cả ở chợ cá Cần Giờ, câu chuyện trước kia là cá, tôm, thì giờ đây là giá đất và đất. Có thể dễ dàng tìm thấy một người vừa bán hải sản vừa kiêm luôn cò đất.
Trong khi đó ghi nhận tại TPHCM, giá đất tại các quận vùng ven hiện đang nhảy múa điên loạn. Quận 9 hiện là khu vực tâm điểm trong cơn sốt đất. Giá đất ở đây nhảy múa liên tục hằng tuần. Đặc biệt ở một số khu vực đất nền giáp ranh với dự án khu thể thao Rạch Chiếc, giá tăng nóng chưa từng có.
Đơn cử đoạn đường Bưng Ông Thoàn giáp ranh đường Liên Phường trước kia là đầm lầy đang được chủ đầu tư tiến hành san lấp đất, ở mặt tiền đường có giá 100 triệu đồng/m2, còn trong hẻm nhỏ thì giá 40 triệu đồng/m2, tăng gấp đôi so với 6 tháng trước.
Cơn sốt mua bán đất đai ở khu vực quận 9 được thể hiện rất rõ khi trong nhiều ngày nay, khoảng từ 6h sáng, hàng trăm người dân đã xếp thành hàng dài trước UBND quận 9 để chờ giải quyết hồ sơ hành chính, trong đó chủ yếu liên quan đến vấn đề đất đai.
Ông Hoàng Minh Tuấn Anh - Phó Chủ tịch UBND quận 9 - cho biết, trong mấy ngày gần đây, số lượng người tìm đến quận để nộp hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính tăng vọt. Văn phòng tiếp nhận - hỗ trợ - giải quyết các thủ tục hồ sơ hành chính thuộc UBND quận 9 thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải, bởi lượng người dân đến giao dịch quá nhiều lần so với năng lực giải quyết.
Không chỉ tại các cơ quan công quyền mà ngay tại các phòng công chứng, lúc nào cũng đông đúc người làm thủ tục sang tên hợp đồng mua bán nhà đất. Các nền đất có sổ đỏ được giao dịch nhanh chóng, lợi nhuận tăng rất cao, vì vậy đã thu hút nhiều người dân ở khắp nơi đổ xô về quận 9 mua bán đất kiếm lời.
Nhà quản lý cũng phát “sốt”
Văn phòng Đăng ký đất đai TPHCM (thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường) cho biết từ đầu năm đến nay tình trạng mua bán chuyển nhượng đất tăng mạnh. Đây là mức tăng cao nhất so với các năm gần đây.
Đặc biệt tại các quận ven và huyện ngoại thành, số liệu từ Chi nhánh Văn phòng Đăng ký các quận huyện thể hiện tình trạng mua bán chuyển nhượng đất của cá nhân chiếm tỉ lệ khá lớn, nhất là các quận huyện đang trong tình trạng “lên cơn sốt”.
Đơn cử như trong tháng 3.2018, khu vực quận 9 có gần 7.000 hồ sơ nhà đất được chuyển nhượng mua bán, quận 12 có 5.358 hồ sơ, Hóc Môn có 3.357 hồ sơ, Bình Chánh có 6.174 hồ sơ; đặc biệt huyện Củ Chi có hồ sơ cập nhật biến động chiếm số lượng lớn nhất với 13.866 hồ sơ.
Cơn sốt mua bán đất này cũng khiến cho lãnh đạo thành phố lên tiếng cảnh báo người dân về tình trạng giá tăng ảo. Tại cuộc họp với các sở ngành, quận huyện sau hơn 3 tháng Quyết định 60/2017 của UBND TPHCM quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa có hiệu lực, lãnh đạo thành phố cũng cho biết thông tin thời gian qua có hiện tượng nhiều đối tượng “tiếp tay” để tăng giá đất ảo giống như một hình thức đa cấp. Bằng nhiều hình thức tác động, các đối tượng đã đưa ra những thông tin sai lệch, không đúng làm đất tăng ảo.
Theo giám đốc một công ty chuyên phân phối đất nền ở khu vực quận 9, theo quan sát thì hiện nay thị trường tập trung chủ yếu là dân đầu cơ, nhà đầu tư thứ cấp nhỏ lẻ cũng là dân lướt sóng mua đi bán lại.
Nguyên nhân là do chính sách về phân lô bán nền vừa được UBND TPHCM phê duyệt lại có nhiều thay đổi thuận lợi hơn cho thị trường này, trong đó có quy định không bắt buộc xây nhà vẫn tách thửa bình thường, và việc phân lô được cho phép với diện tích nhỏ hơn trước.
Ngoài ra, một số quận, huyện khá dễ dãi trong việc cho phép cá nhân, hộ gia đình chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp thành đất ở rồi sau đó thực hiện tách thửa phân lô, dẫn đến tình trạng phân lô bán nền tràn lan, tạo cơ hội cho đầu nậu gom đất và làm giá.
Theo Lao Động
- Bất động sản TP.HCM 'giảm nhiệt', Long An hứa hẹn bứt phá (06/11/2019)
- Đầu tư đất nền thổ cư tại các quận vùng ven được các nhà đầu tư ưa chuộng (29/10/2019)
- Thị trường nhà đất khu Tây TP.HCM vẫn “nóng” (17/10/2019)
- Nhà đất Đức Hòa được tìm kiếm nhiều nhất Long An (09/10/2019)
- Nhà đầu tư âm thầm “săn” đất sổ đỏ ở Long An (08/10/2019)