Theo nhận định của các chuyên gia, BT “sốt” hơn BOT nhiều bởi những tổn hại mà nó gây ra cho quyền lợi của người dân, cũng như nguồn lực của toàn dân. Nhưng xã hội “chưa phản ứng” do không có thông tin.
Cần chấm dứt việc “đổi đất lấy hạ tầng”
Theo ông Phạm Quang Tú, do chủ trương đầu tư, các lĩnh vực, dự án cần kêu gọi đầu tư không được đấu thầu công khai, không được công bố rộng rãi nên rất thiếu minh bạch và lộ rõ lợi ích nhóm. Do đấu thầu công trình không bị cạnh tranh nên khi nhà đầu tư bàn giao cho nhà nước thì hoặc chi phí cao, hoặc chất lượng thấp, thậm chí cả 2.
Khi đã hoàn thành dự án, đúng ra phải kiểm toán tài chính và kiểm toán kỹ thuật để xác định đúng giá trị, chất lượng, từ đó làm cơ sở cho việc “thanh toán” bằng quỹ đất. Nhưng do BT không buộc phải kiểm tra kiểm toán, chỉ là quyết toán, giá cuối cùng do quyết định chủ quan của cá nhân, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nên “đây là lỗ hổng lớn nhất và là mảnh đất màu mỡ nảy sinh tiêu cực tham nhũng và tiêu cực”, ông Tú nói.
Theo bà Trương Hải Yến (Kiểm toán Nhà nước), đa phần các dự án trong 21 dự án BT sau khi kiểm toán đều không được thông qua HĐND, không thuộc kế hoạch đầu tư trung hạn, mà là chỉ định thầu. Cùng với đó, các dự án BT được giao đất trước khi công trình được hoàn thành với giá đất thấp hơn nhiều so với giá đất khi bàn giao công trình. Điều này gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước và làm lợi cho nhà đầu tư.
Ngoài ra, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư chỉ cần bằng 10% hoặc 15% tổng mức đầu tư, còn lại đi vay 85% còn lại với lãi suất vay quy định, tối đa là 1,3 lần lãi suất TPCP. Thực chất 85% vốn đó là vốn mà nhà nước đi vay với lãi suất cao hơn phát hành trái phiếu để tự đầu tư. Bà Yến nói: "Vậy là BT chẳng những không giúp giảm gánh nặng đầu tư cho NSNN mà còn trở thành gánh nặng hơn”.
Cũng theo kết quả kiểm toán, nhiều chủ đầu tư đi vay để có đủ 10% và 15% vốn do không góp đủ 10% hay 15% này từ vốn chủ sở hữu. Giá dự án vì thế tăng lên kèm theo nhiều rủi ro... Kiểm toán còn phát hiện ra những sai sót trong tất cả các khâu khiến việc thi công có nhiều thất thoát và chất lượng kém. Do đó, theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, 21 dự án cần bị xử lý tài chính với 3.815,4 tỷ đồng, tương đương 12,54% giá trị được kiểm toán (3.815,4 tỷ đồng/30.425 tỷ đồng).
GS. Võ phát biểu: “Đã đến lúc vĩnh biệt cơ chế “đổi đất lấy hạ tầng” tại các địa phương đã phát triển tốt, chỉ nên áp dụng ở nơi chậm phát triển, hạ tầng thiếu và ngân sách yếu”. Ông Võ cũng cho rằng, các khoảng trống pháp luật cần được lấp đầy thông qua việc bổ sung quy định về kiểm toán tài chính để định giá đất đai khi trả cho nhà đầu tư, đánh giá giá trị công trình hạ tầng cũng như kiểm toán kỹ thuật để đánh giá chất lượng dự án.