Ngân hàng đua hạ lãi suất
Thời gian gần đây thị trường tài chính đang đón nhận “làn sóng” hạ lãi suất cho vay trên diện rộng, với sự tham gia của nhiều ngân hàng CP thương mại. Vừa qua, ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã đưa ra mức lãi suất mới đối với 5 lĩnh vực ưu tiên và các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Cụ thể, lãi suất cho vay ngắn hạn được Vietcombank đồng loạt điều chỉnh giảm 1%, về mức 6%/năm. Lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp được đưa về mức 5%/năm.
Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết, việc điều chỉnh giảm lãi suất cho vay như nói trên sẽ được ngân hàng này thực hiện đến cuối năm 2016. Tiếp đó, tùy vào tình hình kinh tế vĩ mô và chính sách điều hành tín dụng của Ngân hàng Nhà nước mà Vietcombank sẽ có hướng điều chỉnh phù hợp.
Với thị phần cho vay chiếm hơn 9% trong toàn hệ thống ngân hàng, việc Vietcombank hạ lãi suất cho vay được đánh giá sẽ có sức ảnh hưởng không nhỏ.
Ngân hàng đua nhau hạ lãi suất cho vay thật sư chưa kích thích lên thị trường địa ốc |
Trước đó, Ngân hàng Thương mại CP Phát triển Tp.HCM (HDBank) cũng đã công bố kế hoạch giảm lãi suất cho vay với nhiều đối tượng khách hàng. Đối với người vay mới, HDBank giảm lãi suất từ 11.5%/năm xuống còn 10,5%/năm.
Bên cạnh đó, HDBank còn mở gói tín dụng ưu đãi hạn mức 18.000 tỷ đồng lãi suất ngắn hạn từ 6,5%/năm. Nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp, HDBank còn áp dụng lãi suất cho vay ưu đãi trung dài hạn cố định trong năm đầu tiên chỉ từ 9,69%/năm.
Cũng nằm trong “cuộc đua” hạ lãi suất, ngày 15/10 mới đây, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt đã giảm 1% - 1,5% cho các khoản vay ngắn hạn mới, ưu tiên khách hàng là hộ gia đình, hộ kinh doanh ở nông thôn và các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Những ngày cuối tháng 9, thị trường tài chính chứng kiến hàng loạt các ngân hàng như Agribank, BIDV và Vietinbank hạ lãi suất huy động ở các kỳ hạn dưới 1 năm, với mức giảm từ 0,3% – 0,5%/năm.
Các chuyên gia đánh giá, nhu cầu tín dụng những tháng cuối năm thường tăng cao và đây chính là cơ hội tốt để các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay nhằm thu hút khách hàng.
Tín hiệu ngắn hạn?
Thị trường BĐS được xem là một trong những lĩnh vực rất “nhạy cảm” với lãi suất cho vay, song đứng trước đợt hạ lãi suất ở những tháng cuối năm này, nhiều chuyên gia cho rằng ít tác động đến thị trường BĐS.
Theo TS. Đinh Thế Hiển, đợt hạ lãi suất cho vay này của các ngân hàng không áp dụng trên diện rộng mà chỉ có một số đối tượng khách hàng, lĩnh vực. Về nguyên tắc, lãi suất cho vay giảm sẽ kích cầu ở hầu hết các lĩnh vực nền kinh tế, thị trường BĐS cũng chịu tác động không nhỏ. Chuyên gia tài chính này cho hay, nếu lãi suất ở mức thấp sẽ có tác động tích cực đến tâm lý người mua nhà hơn.
Nhưng theo TS. Đinh Thế Hiển, đợt hạ lãi suất lần này không tác động mạnh mẽ lên thị trường BĐS như những năm 2013 – 2014. Thời điểm đó, giá BĐS đã giảm rất mạnh nhưng người mua vẫn lo về lãi suất và đây cũng chính là yếu tố quyết định đến việc mua nhà của người dân. Còn hiện tại, vấn đề lãi suất không phải là yếu tố chính.
TS.Đinh Thế Hiển nhận định: “Nếu đi thực tế vào một số dự án có thể thấy ngân hàng liên kết với chủ đầu tư đưa ra mức lãi suất hấp dẫn như 4% hay 6%/năm đầu. Việc giảm lãi suất lần này tôi cho rằng không có nhiều ý nghĩa đối với thị trường căn hộ”.
Đánh giá về vấn đề này, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho biết, xét trên mặt bằng chung việc hạ lãi suất cho vay chắc chắn tác động đến thị trường địa ốc. Nhưng theo ông quan sát trong đợt này hầu như ngân hàng chỉ giảm lãi suất cho vay ở các lĩnh vực như nông nghiệp, xuất nhập khẩu, công nghệ hỗ trợ hay đối tượng khách hàng có quan hệ tốt. Từ đó cho thấy tín dụng cho BĐS rất mờ nhạt.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM nhận xét, việc hạ lãi suất cho vay là tín hiệu tốt cho nền kinh tế, song đối với BĐS để tiếp cận được nguồn vốn là không dễ dàng. Tín dụng BĐS không đơn giản, việc hạ lãi suất đi đối với nợ xấu của các ngân hàng tăng. Trong các lĩnh vực ưu tiên của Ngân hàng Nhà nước thì lại không có BĐS.
Theo ông Châu, mới đây lại có thông tin các ngân hàng thắt chặt hơn việc cho vay một số doanh nghiệp lớn đang triển khai nhiều dự án và loại hình đầu tư BĐS nghỉ dưỡng. Ngoài ra, hiện nay thị trường BĐS đang có dấu hiệu chững lại ở phân khúc cao cấp và tiềm ẩn nguy cơ bất ổn. Còn phân khúc căn hộ 1 – 2 phòng ngủ, có giá bán trên dưới 1 tỷ đồng chưa bao giờ khủng hoảng.